Hotline: 090-123-0688
Hotline: 090-123-0688

Hướng dẫn kết nối công tắc cảm ứng thông minh với Home Assistant

Giới thiệu về Home Assistant 

Home Assistant (gọi tắt là HA) hiện tại đóng vai trò như một bộ điều khiển trung tâm có thể kết nối và điều khiển nhiều loại thiết bị của nhiều hãng khác nhau. Hiện tại cộng đồng phát triển và sử dụng HA rất đông đảo và và HA đã hỗ trợ rất nhiều thiết bị.

Có rất nhiều cách cài đặt HA khác nhau như cài trên PI 3, cài trên Windows, Linux, Mac OS hoặc thậm chí cài trên Android. Tuy nhiên, bản chất  cuối cùng vẫn là cài hệ thống Home Assistant và có giao diện điều khiển qua web giống nhau. Lưu ý là bản HA cài qua HASS.IO sẽ có những công cụ tích hợp sẵn giúp người mới làm quen HA dễ dùng hơn. 

Lưu ý: bản Raspberry Pi 3 model B+ mới ra chưa hỗ trợ bởi HASS.IO

Thông thường, để các thiết bị nhà thông minh (WIFI, RF, IR, Sensor..) tương thích với HA thì cần có các component tương ứng. Các component được phát triển và cải tiến liên tục bởi cộng đồng các nhà phát triển khắp nơi trên thế giới. Danh sách các component được xây dựng cho HA có thể tham khảo ở trang https://www.home-assistant.io/components/. Bài viết này sẽ tập trung vào việc hướng dẫn thiết lập component MQTT để kết nối công tắc cảm ứng thông minh eWelink với HA. MQTT là một trong những component nổi tiếng và được sử dụng nhiều nhất trong HA. 

Giới thiệu về công tắc thông minh tương thích với Home Assistant

Công tắc thông minh được đề cập trong bài hướng dẫn này là loại dùng chung ứng dụng và phần cứng eWelink nhưng đã được flash (cài đặt) lại custom firmware Tasmota hỗ trợ giao thức MQTT. Sau khi thiết lập kết nối thành công thì công tắc sẽ có thể được điều khiển cũng như cập nhật trạng thái real time trong HA. 

Việc flash lại custom firmware Tasmota khá phức tạp và không có cách áp dụng chung với mọi loại công tắc dùng app eWelink (hoặc dùng chung phần cứng với Sonoff) và không được đề cập trong bài viết này. Bản thân tác giả bài viết cũng đã từng làm hỏng khá nhiều thiết bị trong quá trình thử nghiệm flash và cài đặt custom firmware.

Nếu bạn có ý định tự flash custom firmware thì hãy chuẩn bị sẵn tinh thần thiết bị đó có thể bị hỏng ngay khi đang flash. Tuy nhiên nếu thành công nó lại có thể đem lại 1 trải nghiệm thú vị.

Nếu không có đủ thời gian nghiên cứu để tự flash, bạn có thể tham khảo 1 số mẫu thiết bị WIFI đã được flash sẵn custom firmware ổn định và tương thích với HA ở link này.

Các bước tiến hành:

Giả sử giờ đã có 1 công tắc cảm ứng 3 Gang (3 nút điều khiển bật/tắt độc lập) đã được flash firmware tương thích với HA ở trên (tạm gọi là công tắc HA), chúng ta sẽ thực hiện từng bước để kết nối với Home Assistant như sau:

Bước 1: Thay thế công tắc cũ bằng công tắc cảm ứng thông minh HA.

Lưu ý: cần có dây mát (N – Neutral) để công tắc. Dưới đây là 1 hình ảnh minh họa cho công tắc HA.

 công tắc thông minh điều khiển qua wifi

Bước 2: Thiết lập kết nối WIFI cho công tắc HA

Tiến hành nhấn và giữ 1 nút bất kỳ trên công tắc HA khoảng 5-10 giây, khi thấy đèn led trên công tắc chớp nhanh thì nhả tay ra. Lúc này công tắc sẽ chuyển sang chế độ phát ra một mạng WIFI có dạng “sonoff-xxxx”. Cần tiến hành kết nối vào mạng WIFI ở trên.

Nếu kết nối thành công thì sẽ thấy bật ra 1 cửa sổ cho phép thiết lập thông số kết nối WIFI cho công tắc như ảnh dưới:

thiết lập wifi cho công tắc 

Lưu ý nhập đúng tên mạng WIFI nhà bạn vào mục “AP1 SSiD” và password của WIFI tương ứng vào mục “AP1 Password” sau đó nhấn Save.

Sẽ mất khoảng 5-10 giây để công tắc khởi động lại và kết nối vào mạng WIFI nhà bạn.

Có thể kiểm tra việc công tắc HA đã kết nối vào mạng WIFI thành công hay chưa bằng cách xem đèn led trên công tắc có cố định hay vẫn nháy. Nếu các đèn led đều màu xanh thì chứng tỏ đã kết nối WIFI thành công. Ngoài ra có thể vào modem WIFI để kiểm tra xem có thiết bị nào có tên “sonoff-xxxx” đã kết nối thành công hay chưa. 

Lưu ý cần ghi lại địa chỉ IP mạng LAN của công tắc HA để phục vụ cho việc thiết lập trong các bước sau.

 

Bước 3: Thiết lập Module Type (loại công tắc)

Mở trình duyệt và gõ vào địa chỉ IP của công tắc HA đã ghi lại ở bước 2. Khi đó sẽ chuyển đến màn hình cấu hình thông số cho công tắc. Mặc định sau khi reset ở bước 2 để kết nối WIFI thì công tắc sẽ tự nhận là dạng Sonoff Basic.

Ta cần vào phần “Configuration” sau đó chọn tiếp “Module type” là “30 Sonoff T1 3CH” như ảnh dưới để thiết lập đúng loại công tắc 3Gang.

thiết lập loại công tắc

Bấm “Save” để lưu lại thông tin và công tắc sẽ khởi động lại. Sau đó vào lại trang cấu hình công tắc qua trình duyệt ta sẽ thấy kết quả như hình dưới.

Ta có thể click vào các nút “Toggle 1”, “Toogle 2”, “Toogle 3” để bật tắt từng công tắc hoặc bấm các nút trên công tắc thật để xem trạng thái được cập nhật trên web.

 

Bước 4: Thiết lập thông số MQTT cho công tắc HA

Từ màn hình chính cấu hình công tắc, chọn “Configuration” để chuyển sang màn hình thiết lập các thông số chi tiết. Tiếp theo chọn “Configure MQTT” như ảnh dưới:

cấu hình mqtt

Tiếp theo cần thiết lập các thông số liên quan đến MQTT như ảnh dưới đây:

cấu hình chi tiết mqtt

Lưu ý phần “Topic” nhập đúng tên gợi nhớ về công tắc, viết liền không dấu. Thông số này sẽ được dùng để thiết lập ở bước sau.

 

Bước 5: Thiết lập cấu hình trong HA.

Ở bước này sẽ có 2 chỗ cần thiết lập.

5.1 Trước tiên cần khai báo MQTT broker (muốn tìm hiểu rõ hơn về MQTT broker có thể tham khảo ở link )

thiết lập mqtt broker

Bản chất của phần thiết lập trên là khai báo dùng MQTT broker cài đặt sẵn trong HA. Có thể tùy biến sử dụng MQTT bất kỳ ở bên ngoài nếu muốn.

5.2 Tiếp theo cần cấu hình switch cho công tắc HA như dưới đây:

cấu hình mqtt switch

Lưu ý phần cấu hình “Platform: mqtt” cần đặt đúng dưới phần khai báo “switch”.

Trong bước số 4 nếu khai báo Topic là “sonoff01” thì trong bước 5 ở phần state_topic và command_topic cũng phải khai báo đúng như vậy. Phần “name” có thể đặt bất kỳ theo ý muốn.

 

Bước 6: Khởi động lại HA và thử điều khiển

Sau khi đã thiết lập xong cấu hình MQTT trong HA thì tiến hành kiểm tra (Check config) lại các thông số cấu hình trước khi restart lại HA. Lần đầu tiên thiết lập rất có thể có sai sót ở đâu đó nên hãy kiên nhẫn kiểm tra kỹ từng thông tin.

Nếu thành công thì bạn sẽ thấy kết quả như dưới đây:

điều khiển công tắc trong home assistant

 

Xin chúc mừng bạn đã đủ kiên nhẫn đọc và thực hành đến đây. Trong bài viết sau mình sẽ giới thiệu về một vài thiết lập nâng cao cho HA cũng như thiết lâp để công tắc HA phản hồi nhanh hơn (điều khiển cảm ứng nhạy hơn).

Bạn có thể cập nhật các bài viết mới về HA và loa thông minh ở website: https://nhathongminh.io/huong-dan cũng như trên Fan page: https://www.facebook.com/nhathongminh.io/

Cảm ơn.

 

Bài viết liên quan

scrolltop